Thổ nhĩ kỳ -sứ đàn bà không phải "chạy chợ"

Người Việt thường nói vui rằng chỉ cần hai người đàn bà và một con vịt là thành cái chợ. Nhưng khi du lịch thổ nhĩ kỳ đến Istabul thì tôi thấy ở Istabul không có đàn bà chạy chợ, chỉ có những anh chàng đẹp trai phô diễn kỹ năng tiếp thị và quyến rũ khách bằng ánh mắt, nụ cười đẹp mê hồn.
Văn hoá chợ Bazaar của người Thổ đã ‘xuất khẩu’ đi khắp thế giới. Riêng ở Tây Âu, chợ Bazaar bao năm nay hiên ngang tồn tại và đàn ông Thổ dần chiếm lĩnh hầu hết những khu chợ bình dân, đánh bật cả người bản xứ về kỹ nghệ giao tiếp với khách cũng như hàng hóa giá rẻ bất ngờ.


Đi khắp châu Âu đều thấy có những phiên chợ Bazaar, nhưng nên đến Thổ ít nhất một lần để biết chợ Bazaar chính gốc như thế nào, hấp dẫn ra sao mà nhanh chóng nổi tiếng khắp thế giới đến thế.

Tôi gần như suýt lạc trong khu chợ Grand Bazaar dù anh chàng hướng dẫn viên của Saigontourist đã dặn đi dặn lại phải nhớ cho kỹ số cửa ra vào của khu chợ. Cảm tưởng mê cung của phiên chợ Ba Tư thuở ngàn lẻ một đêm vừa mở bung ra hút tôi vào đó vì sự hấp dẫn khó cưỡng. Bazaar có mọi thứ, trang sức vàng bạc đá quý, đồ cổ tinh xảo, thảm, đồ da thời trang, hàng tơ lụa, pha lê, gốm sứ, đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống từ siêu rẻ đến siêu đắt. Và hơn tất cả, Bazaar có không khí mua sắm sôi sục và lôi cuốn không hề giống bất kỳ nơi đâu.
Bước sang tuổi 563, Grand Bazaar hiện vẫn giữ kỷ lục là khu chợ trong nhà lớn nhất thế giới. Nhưng tôi sẽ nhớ đến Bazaar như một hộp màu lớn nhất thế giới – phiên chợ đầy màu sắc phép thuật, hễ bước vào sẽ bị mê hoặc ngay bởi những ánh mắt mời chào, những âm thanh thủ thỉ thuyết phục giữa bức phông màn sắc màu rực rỡ của hàng hóa. Màu da nâu rám nắng, sống mũi cao thanh tú càng làm cho đôi mắt người đàn ông Thổ trở nên sâu thẳm, vừa bí hiểm vừa quyến rũ. Thế rồi họ mỉm cười, cất tiếng mời chào khiến người mua như bị bỏ bùa mê. “Đừng quên mặc cả đấy”, những người đi trong đoàn nhắc nhở tôi. Tôi tỉnh rồi! Hẳn người Thổ có lý khi giữ phụ nữ ở nhà và để đàn ông chạy chợ.


Nghe nói áo khoác da ở chợ Thổ đẹp và rẻ, tôi cùng hai phụ nữ trong đoàn bước vào hàng quần áo. Một người đàn ông đẹp như tượng thần hiện ra, cất giọng mật ngọt nhỏ nhẹ đề nghị giúp đỡ, nói là làm, anh chàng hết lòng chiều chuộng khách hàng nữ dù không có đúng chiếc áo khoác chúng tôi cần. Không bán được hàng mà giọng anh chàng vẫn nhẹ như gió thoảng “Thật tiếc quá. Ước gì tôi có thứ các cô cần. Nhưng tôi rất vui vì được nhìn thấy các cô cười”. Cuối cùng, cô bạn tôi cũng phải xiêu lòng khoác thêm áo da lên người. Một phụ nữ khác trong đoàn cũng không ngại khó để vác về Việt Nam chiếc bình gốm, phần vì thấy quá đẹp với những họa tiết lạ mắt, nhưng tôi nghĩ một phần cũng vì kỹ năng bán hàng của ông chủ hàng gốm. Chẳng cứ phụ nữ dễ thành “nạn nhân”, một du khách nam trong đoàn cũng bị một quý ông bán thảm đốn ngã, hì hục vác lên máy bay 20 tấm thảm nhỏ “về làm quà”.

Tôi nghĩ vấn đề cốt lõi trong nghệ thuật bán hàng của người Thổ vẫn là sự bắt mắt của hàng hoá cũng như ‘nghệ thuật’ của chính người bán món hàng đó. Trong lần mua sắm ở Ý tôi cũng có cảm giác như vậy, mấy anh chàng bán hàng ăn vận như tài tử, quỳ xuống mời tôi thử giày và kiên nhẫn chờ khách thử cho bằng ưng ý thì thôi. Chợ Thổ chính là một cuốn phim vì sắc màu văn hóa và sự sống động bao hàm cả cái đẹp trong đó. Khác hẳn kiểu bán mua ở chợ Đồng Xuân tại Hà Nội, nơi người bán hầu như không quan tâm nhiều vẻ bề ngoài và ít chịu tương tác với khách du lịch quốc tế. Còn chợ Bến Thành ở TP HCM đã có phần tân tiến hơn ở khu bán hàng lưu niệm.

Đi chợ Thổ chỉ khổ hướng dẫn viên, luôn miệng giục khách phải chú ý theo đoàn, nhưng một khi đã vào mê hồn trận “shopping” này thì ai cũng như bị thôi miên, chẳng muốn về. Nhưng khi cần trả giá thì hầu như ai cũng tỉnh táo, có lẽ văn hoá mặc cả của người Việt đã ngấm trong máu, trỗi dậy mạnh mẽ kịp thời, không cần hướng dẫn viên nhắc lần thứ hai. Cô bạn đi cùng tôi trả giá rất ác liệt, anh chàng bán hàng có đẹp trai đến mấy, nói thách êm tai đến mấy cô vẫn nằng nặc công thức “từ 200 USD xuống còn 20 USD”. Dĩ nhiên có lúc cô thành công. Còn tôi thì chọn được một đôi mắt thần thuỷ tinh đeo bằng dây tết sợi, thêm một vài hạt màu bằng đá, thứ quà lưu niệm phổ biến nhất ở Bazaar. Âu cũng là muốn lưu giữ đôi mắt đẹp cuốn hút thẳm sâu khó quên của người Thổ, ước gì mình có một đôi mắt thật tinh tường để trải nghiệm hết những gì đã thấy ở Istanbul, và cũng là để mong sớm được trở lại xứ sở đẹp lạ lùng này.
Share on Google Plus

0 nhận xét:

Post a Comment